Lượt xem: 201

Dự án GIC - Trợ lực thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích canh tác lúa hằng năm trên 320.000 ha, toàn tỉnh hiện đã phát triển được 99 hợp tác xã thuộc lĩnh vực sản xuất lúa. Quy mô diện tích và hình thức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể dù phát triển mạnh, nhưng sự hạn chế về tư liệu sản xuất hay thiếu tính nhất quán trong quy trình kỹ thuật canh tác là nguyên nhân chính khiến ngành hàng lúa gạo của tỉnh chưa thật sự phát huy được hiệu quả như mong muốn.

 


Ban Quản lý Dự án GIC hướng dẫn nông dân kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính.

 

    Năm 2022, Sóc Trăng là 1 trong 6 tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ kinh phí đối ứng là 70.000 Euro để triển khai Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (gọi tắt là Dự án GIC). Với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thay đổi tư duy của nông dân trồng lúa từ “sản xuất theo số phận” sang “sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường”, dự án được xem là trợ lực quan trọng góp phần thúc đẩy ngành hàng lúa gạo tại Sóc Trăng.

    Trong rất nhiều chuỗi hoạt động thuộc Dự án GIC, Ban Quản lý các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh của tỉnh Sóc Trăng đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, các lựa chọn sản xuất bền vững và thích ứng với khí hậu. Hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận hiệu quả quy trình kỹ thuật canh tác theo chuẩn SRP, kỹ thuật canh tác 1 phải, 5 giảm, IPM,..

    Tính đến nay, với kinh phí tài trợ của GIZ và Công ty tư vấn GFA, Ban Quản lý các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các địa phương trong vùng dự án, tổ chức được 70 lớp đào tạo kinh doanh cho nông dân. Các chuyên đề được đào tạo, tập huấn với nội dung bám sát tình hình thực tiễn sản xuất đã giúp nông dân cập nhập thêm tri thức, biết tính toán chi phí sản xuất hợp lý để cải thiện doanh thu, nhưng vẫn đảm bảo đạt chất lượng,... Tất cả đã góp phần hình thành dần tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho từng nông hộ và các hợp tác xã.

    Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị - Lý Hùng Minh cho biết: “Từ trước đến nay, nông dân làm lúa khi nghe đến chuyện kinh doanh hay làm nông nghiệp theo kiểu tư duy kinh tế thì không hiểu rõ cụ thể là gì và làm như thế nào. Theo tập quán cũ thì làm tới đâu, chi phí mua phân bao nhiêu, mua thuốc bao nhiêu chỉ toàn ghi nhớ trong đầu chứ không ghi chép lại. Từ khi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do Dự án GIC triển khai thì nông dân trong hợp tác xã có nhiều kiến thức hơn, họ bắt đầu biết cách lập bảng chi tiêu cụ thể trong quá trình sản xuất, từ đó mà lợi nhuận canh tác có phần cải thiện hơn”.

    Ban Quản lý Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh của tỉnh còn tích cực phối hợp cùng các công ty, doanh nghiệp để tăng cường giới thiệu đến nông dân những mô hình cơ giới hóa hiệu quả trong canh tác lúa, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức để trang bị  thêm cho các hợp tác xã những máy móc, thiết bị cần thiết phục vụ tốt cho nhu cầu ở từng khâu sản xuất. Vốn là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất lúa, khi được lựa chọn tham gia Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp, hoạt động sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú tiếp tục có bước phát triển rõ rệt khi cơ giới hóa đồng ruộng được áp dụng đồng bộ, nhờ được Dự án GIC hỗ trợ thêm máy gặt đập liên hợp; đồng thời, được hướng dẫn thực hiện thêm các biện pháp tận dụng phụ phế phẩm sau thu hoạch lúa để phục vụ ngược lại cho quá trình sản xuất khác trong nông nghiệp (hay còn gọi là nông nghiệp tuần hoàn). Theo đó hiện nay, sản lượng rơm thu hoạch sau mỗi vụ lúa thay vì được bán đi, sẽ được thành viên hợp tác xã tận dụng lại để thực hiện quy trình ủ rơm làm phân bón hữu cơ. Cách làm này không chỉ giúp hợp tác xã tiết giảm đáng kể chi phí sử dụng phân bón trong vụ sản xuất kế tiếp, mà còn là giải pháp phù hợp với mục tiêu “xây dựng vùng sản xuất lúa bền vững, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa để cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao lợi nhuận sản xuất cho người nông dân”, mà Dự án GIC hướng đến.

    Xã viên Phạm Hoàng Trân - Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết thêm: “Trước đây hợp tác xã cũng đã có ứng dụng cơ giới hóa khi thu hoạch lúa hay thu hoạch rơm, nhưng do diện tích canh tác toàn hợp tác xã là rất lớn mà thiết bị, máy móc lại hạn chế nên từng lúc, từng nơi không phục vụ hết được nhu cầu của tất cả các thành viên. Nhờ tham gia vào dự án và được hỗ trợ như vậy, nên cơ bản phục vụ tốt nhu cầu sử dụng cơ giới hóa, giảm thiểu sức người trong các khâu sản xuất lúa và lượng rơm thu về đầy đủ nên quá trình thực hiện ủ rơm làm phân bón cũng dễ dàng hơn”.

    Tại Sóc Trăng, Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp được triển khai tại 4 huyện, thị xã, bao gồm: Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và thị xã Ngã Năm. Với hiệu quả bước đầu sau gần 2 năm triển khai. Thời gian tới, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân sẽ được Ban Quản lý Dự án GIC tiếp tục triển khai thường xuyên tại các địa phương với nội dung phù hợp theo từng nhóm đối tượng tiếp cận khác nhau, nhằm từng bước hoàn thiện các mục tiêu cụ thể mà Dự án GIC đã đề ra.

    Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Ban Quản lý Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh sẽ phối hợp với đội ngũ cán bộ nguồn để hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực, dựa trên 4 nội dung cụ thể, như: Hỗ trợ hợp tác xã xây dựng được cơ cấu tổ chức và vận hành theo Luật hợp tác xã kiểu mới; xây dựng các chiến lược kinh doanh trung hạn, ngắn hạn cũng như kế hoạch hoạt động hằng năm; hướng dẫn hợp tác xã xây dựng các báo cáo tài chính, cũng như báo cáo thu chi quản lý tài chính hằng năm; giúp hợp tác xã quản lý được các khách hàng tiềm năng, quản lý được các hợp đồng để thực hiện một số dịch vụ trong tương lai,...”.

    Cùng với các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực lúa gạo đã và đang được tỉnh tập trung triển khai; các chuỗi hoạt động do Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh hỗ trợ sẽ góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng theo hướng an toàn, bền vững. Quan trọng là từng bước hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu, góp phần cải thiện  đáng kể hiệu quả sản xuất của nông dân trong vùng dự án.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 7203
  • Trong tuần: 77,910
  • Tất cả: 11,801,230